Những nguy cơ tiềm ẩn trong xây dựng cơ bản
Ông Thắng đã tư vấn cho tôi thi công gia cố nền theo phương pháp TOP BASE của Nhật Bản.
Tình trạng phổ biến hiện nay trên toàn quốc là hầu như toàn bộ nhà dân được xây dựng bởi những người thầu khoán (không cần có thiết kế) mà phần lớn họ không có bằng cấp và không mấy người trong số họ hiểu biết về kết cấu công trình, về kỹ thuật thi công. Người làm đã liều nhưng người ở lại còn liều hơn bởi họ đâu có biết để mà sợ.
Chỉ cần một sang chấn nhẹ của trái đất hoặc một sự cố của thiên nhiên không biết sẽ có bao nhiêu số phận ngàn cân treo sợi tóc, vậy mà ngày lại ngày hàng trăm ngàn ngôi nhà “điếc không sợ súng” vẫn cứ tiếp tục mọc lên, có nghĩa là lại có thêm hàng trăm ngàn người ngàn cân treo sợi tóc. Ai sẽ là tội phạm nếu thực sự thảm họa xảy ra? Sau vụ sập nhà 43 Cửa Bắc làm tử vong 2 nạn nhân, tôi xin cảnh báo đến chủ nhân các công trình và những nhà thầu xây dựng để cứu người dân vô tội không bị chết oan.
Khi nhận thầu thiết kế một công trình, công việc đầu tiên của người nhận thầu là phải trình chứng chỉ hành nghề cho chủ đầu tư kiểm tra tư cách pháp nhân của người làm thiết kế. Khi ký hợp đồng giao việc với chủ đầu tư, phải có dấu tư cách pháp nhân của đơn vị thiết kế. Phải khảo sát địa hình (kiểm tra hồ sơ thiết kế quy hoạch vùng của Sở Xây dựng để biết mức độ và quy mô công trình được phép xây dựng trên địa phận chủ đầu tư yêu cầu thiết kế). Yêu cầu chủ đầu tư thuê khảo sát địa chất, hồ sơ báo cáo khảo sát địa chất phải được đơn vị có chuyên môn và có tư cách pháp nhân lập trình. Sau đó lập hồ sơ thiết kế xin giấy phép xây dựng. Lập hồ sơ thiết kế thi công và dự toán thiết kế. Nếu các nhà thầu không tuân thủ đúng quy trình sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhất là khi công trình xảy ra sự cố ngoài ý muốn.
Khi nhận thầu thi công xây dựng một công trình, trình chứng chỉ hành nghề và tư cách pháp nhân của đơn vị thi công cho chủ đầu tư kiểm tra. Kiểm tra giấy phép xây dựng để thi công công trình đúng với giấy phép được cấp. Nghiên cứu kỹ hồ sơ khảo sát địa hình, khảo sát địa chất và hồ sơ thiết kế thi công để đề ra giải pháp thi công hợp lý, đảm bảo an toàn cho công trình liền kề (nếu có) và đảm bảo an toàn lao động. Trình báo chủ đầu tư và cán bộ giám sát kỹ thuật của chủ đầu tư nghiệm thu từng giai đoạn thi công đúng tiến độ đã lập trình. Khi thi công phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thu đổ phế thải đúng nơi quy định. Dọn vệ sinh và bàn giao công trình sau khi đã hoàn thành đúng hợp đồng với chủ đầu tư.
Nguy cơ
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong xây dựng cơ bản
Ngôi nhà 43 Cửa Bắc đã thi công không đúng giấy phép xây dựng, đơn vị thi công không có giải pháp thi công đảm bảo an toàn cho công trình liền kề, như chúng ta đã biết gần như toàn bộ nền đất TP. Hà Nội rất yếu có R tối đa trên dưới 1kg/cm2 ở vùng đất chịu lực. Bởi vậy cần phải tính toán thật kỹ lưỡng giải pháp gia cố nền và biện pháp thi công mới đảm bảo an toàn cho công tác xây lắp. Nhà 43 Cửa Bắc bị sập vì nhà 41 thi công đào móng bằng máy xúc làm rung nền đất yếu, không đóng cọc cừ chắn để trôi đất nền nhà 43 qua nhà 41 làm lỏng và sụt lở đất nền. Nếu đơn vị thi công đóng cọc cừ và lèn đất chặt bảo vệ đất nền cho nhà 43 thảm họa đã không xảy ra.
Để bạn đọc tham khảo công trình tôi đã nhận thầu thiết kế và thi công với địa hình phức tạp, không gian chật hẹp, nền móng quá yếu. Vậy mà công trình 6 tầng + 1 tum đưa vào sử dụng từ 10/2013 cho đến nay vẫn hoàn toàn ổn định không hề lún, nứt. Không gây ảnh hưởng đến các công trình liền kề.
Năm 2012 tôi nhận thiết kế thi công nhà 6 tầng 1 tum ở P.Vĩnh Hưng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội với diện tích khu đất 52m2: Qua khảo sát địa hình miếng đất giáp ranh 5 nhà, 1 nhà liền kề sát cạnh cách nhau khe lún 5cm (với đất miền chịu lực có R=05kg/cm2, chủ nhà đào móng sâu khoảng 1m – đóng cọc tre gia cố nền rồi xây nhà 5 tầng – với nền móng và gia cố như vậy chỉ đảm bảo kết cấu cho nhà 2 tầng. Bởi vậy khi thi công liền kề không cẩn trọng sẽ rất dễ gây lún nứt hoặc sập ngôi nhà này. 4 nhà còn lại là nhà 2 – 3 tầng kết cấu gạch, 2 nhà cách 1m và 2 nhà cách 1,5m, làm thế nào để xây nhà 6 tầng 1 tum mà không ảnh hưởng đến kết cấu công trình và an toàn cho nhà liền kề?
Qua khoan khảo sát địa chất lớp 1 là đất lấp dày 1,9m, lớp 2 đất dày 1,4m có R= 0,7kg/cm2, lớp 3 đất dày 1,9m có R= 0,8kg/cm2, lớp 4 đất là bùn nhão dày 8.8m có R= 0,5kg/cm2, lớp 5 đất dày 1,0m có R= 1.0 kg/cm2, lớp 6 đất dày 3m có R= 1.5kg/cm2. Nếu không có biện pháp gia cố nền thì phải đặt móng sâu đến 18m, đất mới đảm bảo độ bền vững cho công trình, tôi đã đưa kết quả khảo sát địa chất cho 3 kỹ sư kết cấu nhờ đến khảo sát địa hình và tư vấn, 2 người lắc đầu bỏ về ngay, người thứ 3 khuyên nên làm móng rồi để đó cho lún ổn định, 2 năm sau hãy xây tiếp. Nếu ép cọc bê tông dài 19 – 20m chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công trình kề cạnh, chi phí ít nhất phải tốn khoảng trên 200 triệu cho việc gia nền công trình.
Ngày 02/11/2012 tôi đã tìm đến Cty CP Giải pháp công nghệ xây dựng quốc tế Việt Nam do ông Đỗ Đức Thắng làm Chủ tịch HĐQT nhờ giúp đỡ. Ông Thắng đã tư vấn cho tôi thi công gia cố nền theo phương pháp TOP BASE của Nhật Bản.
Trước tiên đào móng theo phương pháp thủ công – vì dùng máy dễ ảnh hưởng công trình liền kề, khi móng đạt độ sâu 1,5m so với cốt đất thiên nhiên thì ngưng đào và đóng cọc cừ sít cách nhau 150cm 1 cọc thành hàng rào cho toàn bộ 4 cạnh khu đất xây dựng, đổ đất sau cọc cừ về phía móng nhà liền kề, lèn đất thật chặt để đảm bảo khi thi công không ảnh hưởng đến móng nhà liền kề. Đổ lớp cát lót dày 100cm. Sau đó xếp sít các phễu nhựa TOPBASE theo vị trí thiết kế móng công trình. Phễu nhựa có đường kính 500cm và cao 500cm, đổ bê tông đá 4×6 mác 100 vào đầy các phễu, khoảng trống còn lại giữa các phễu lèn đá 4×6 đầm chặt. Vậy là đã gia cố xong nền, tiếp tục chất tải làm móng công trình. Các bạn phải nhớ móng công trình phải thu hẹp cách ranh giới xây dựng từ 900 – 1.200cm, đến cốt 0.000 mới làm dầm coson vươn ra để gánh dầm đỡ tường bao công trình. Vấn đề quan trọng là gia cố toàn bộ nền theo phương pháp này rất an toàn mà chỉ mất tổng cộng 20 triệu đồng rẻ bằng 10% phương pháp ép cọc bê tông.
Leave a Reply