Nhà để thờ cúng có được coi là tài sản thừa kế?
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Hỏi: Cô tôi lập di chúc để lại phần nhà phía trước làm nơi thờ cúng, phần nhà phía sau để cho con gái và cháu ngoại ở. Thế nhưng, các con của cô không hài lòng với di chúc này.
Do đó, cô tôi sợ sau khi cô ấy mất thì các con tranh chấp chia thừa kế nhà. Cô ấy muốn biết là nhà để thờ cúng thì có bị đem ra chia thừa kế hay không?
Hằng Nga (lphangnga@gmail.com)
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 648 Bộ Luật Dân sự, người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng.
Mặt khác, Điều 670 Bộ Luật Dân sự quy định về trường hợp di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
Trong trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, khí đó phần di sản này không được chia thừa kế, được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; trường hợp người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế, lúc này những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Còn nếu tất cả người thừa kế theo di chúc đều đã chết, khi đó phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, căn cứ theo những quy định nêu trên, phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế, ngoại trừ trường hợp phải thanh toán nghĩa vụ tài sản của người mất. Bạn có thể tham khảo quy định trên để hiểu rõ thêm về trường hợp này.
Leave a Reply